Ngôi làng hình cá chép và “cái nôi” nhân tài
Tìm về làng Hành Thiện nằm bên bờ sông Ninh Cơ trong ngày Tết Độc lập, PV Báo Giao thông ngỡ ngàng trước phong cảnh cổ kính, non nước hữu tình nơi đây. Những ngôi nhà hai tầng san sát vẫn giữ nét hoài cổ nằm hai bên bờ kênh được kè đá sạch sẽ soi bóng những rặng liễu thướt tha. Những chiếc cầu đá nối đôi bờ, hình ảnh các ông, các cụ vui vẻ ngồi câu cá, trẻ nhỏ tung tăng chơi khắp sân đình,... tất cả tạo nên bức tranh nông thôn yên bình, trù phú.
Tiếp PV trong ngôi nhà gỗ mộc mạc mang đậm kiến trúc cổ xưa, thày Nguyễn Đăng Hùng (80 tuổi, Hội trưởng Hội Khuyến học, khuyến tài làng Hành Thiện, nguyên giáo viên trường THPT Xuân Trường) cho biết, cấu tạo địa hình làng Hành Thiện hình con cá chép, đầu quay về hướng Đông, đuôi quay về sông Ninh Cơ, sông Hồng ý muốn nói “cá chép hóa rồng”. Cho đến giờ, các thế hệ đi trước của làng Hành Thiện luôn lấy đó để nhắc nhở con cháu về ý chí vươn lên trong học tập.
Truyền thống hiếu học của làng Hành Thiện nổi tiếng từ xưa với câu ca “Trai học hành, gái canh cửi”. Đúng như câu văn Giáo sư Vũ Khiêu, viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội, cũng là người con của làng Hành Thiện từng miêu tả: “Ở làng quê đó, mỗi sáng chỉ nghe tiếng đọc bài của con trai, tiếng đạp vải của con gái và tiếng sáo diều”.
“Việc học và dệt vải ở làng Hành Thiện bấy giờ như hai nghề song song cùng phát triển. Tất cả mọi người trong làng cùng đi học, không phân biệt giàu nghèo, học giỏi hay chậm chạp. Có những người nhà nghèo như cụ Nguyễn Trọng Trù đi cày bừa hay giã gạo cũng mang sách theo học, đến năm 19 tuổi đỗ cử nhân. Hay cụ Đặng Hữu Ngữu gia đình khó khăn không có tiền theo học đã đến nhà thày Nguyễn Như Bổng xin thổi cơm cho các bạn để được ngồi học miễn phí và năm 20 tuổi cũng đỗ cử nhân...”, thày Hùng kể.
Theo thày Hùng, điều đặc biệt hơn cả ở làng Hành Thiện, đó là trong 42 khoa thi của thành Nam trước năm 1945 đều có học sinh làng Hành Thiện đỗ cử nhân, tú tài, tiến sĩ; nhiều học sinh đỗ tú tài kép từ 4 - 7 lần như cụ Đặng Viết Hòe, bố ông Đặng Xuân Bảng, ông nội của cố Tổng bí thư Trường Chinh - Đặng Xuân Khu.
“Học trò ở làng Hành Thiện coi việc học như một cái nghề nhưng không phải để làm quan mà học để tiếp cận gần hơn với thánh hiền, biết cách đối nhân xử thế, học để làm việc thiện và học suốt đời. Thế nên, số lượng người tài ở làng Hành Thiện đi làm quan thời trước không nhiều. Thậm chí, có cụ Đặng Viết Tường năm 53 tuổi đỗ cử nhân được cử làm quan tri huyện nhưng vì làm quan sẽ không được học nữa nên đã từ quan trở về để tiếp tục đi học. Đến năm 64 tuổi, cụ vẫn dự thi kỳ thi tỉnh. Hay cụ Đặng Vũ Lễ, ông nội của Giáo sư Vũ Khiêu cũng chọn con đường từ quan về quê dạy học và được học trò tặng một bức hoành phi cổ có 4 chữ “Học giả chỉ nam” (Kim chỉ nam cho người học hành). Đến giờ bức hoành phi vẫn được gia đình Giáo sư Vũ Khiêu lưu giữ cẩn thận”, thày Hùng chia sẻ.
Cũng bởi lẽ đó, khi lên ngôi, vua Minh Mạng vì yêu mến ngôi làng nhỏ có nhiều người đỗ đạt, người dân chân thật, hồn hậu, chuyên làm điều thiện đã ưu ái ban tặng cho làng 4 chữ sơn son thiếp vàng: “Mỹ tục khả phong” và đổi tên từ “trang Hành Cung” thành làng Hành Thiện.
Nhấp ngụm nước chè, thày Hùng tiếp lời, học hành thời bấy giờ là mục tiêu cao nhất của người dân trong làng. Người có chữ luôn được trọng hơn người giàu. Những gia đình giàu có ngày ấy cũng rất trọng chữ, trọng hiền tài. Họ thường chọn những nho sinh, hàn sĩ nghèo để gả con gái cho và lấy đó làm niềm vinh hạnh.
Nối mãi dòng chảy hiếu học
Thày Hùng chia sẻ, vốn là một giáo viên dạy giỏi tại huyện Xuân Trường, năm 2001, thày về hưu và trở thành Hội trưởng Hội Khuyến học, khuyến tài làng Hành Thiện. Dù phải chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày suốt 15 năm qua nhưng chưa khi nào thày Hùng quên trách nhiệm nối mãi dòng chảy hiếu học của quê hương.
Thày Hùng kể, ngày xưa, việc dạy học còn nhiều trò một thày xuyên suốt từ lớp vỡ lòng đến khi “lều chõng đi thi”. Phụ huynh và học trò rất quý trọng thày giáo. Họ gửi gắm con cho thày và khi con thành đạt cũng nhớ tới thày.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1945 đến nay, tại làng Hành Thiện đã có 204 người con là giáo sư, tiến sỹ; Trong đó, có hơn 80 người là giáo sư. Truyền thống hiếu học của làng Hành Thiện trọng chữ, trọng người tài như một dòng chảy liên tục, không bị đứt đoạn, thời kỳ nào cũng có người tài cho đất nước để làm sao cho xứng với câu “Đông Cổ Am - Nam Hành Thiện”.
Làng có 7 tướng lĩnh quân đội là: Đặng Quốc Bảo, Nguyễn Đăng Kính, Đặng Quân Thụy, Nguyễn Sĩ Quốc, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Việt Tiến, Phạm Hòa Bình; 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang là Phạm Gia Triệu, Nguyễn Đăng Kính. Hàm Bộ trưởng có: Đặng Hồi Xuân, Đặng Vũ Chư. Hàm giáo sư có: Đặng Vũ Khiêu, Đặng Xuân Kỳ, Đặng Vũ Minh, Nguyễn Sĩ Quốc, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Việt Tiến.
Làng cũng đã có 3 nhà khoa học được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: GS. Anh hùng Lao động Đặng Vũ Khiêu; GS Y khoa Đặng Vũ Hỷ; GS. TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thụ.
Người dân làng Hành Thiện luôn ghi nhớ những câu chuyện về truyền thống tôn sư trọng đạo ấy, ví như thày Nguyễn Đức Toản khi mất đi được các học trò làm lễ tang như đối với cha mình, làm nhà thờ thày giáo. Sau đó, các học trò còn mua lại ruộng đất của dân rồi thuê dân trồng cấy lấy lời để làm quỹ thờ cúng thày.
“Sau này, trường học được phân cấp nhiều, mỗi học trò đi học đều qua nhiều giáo viên dạy dỗ nhưng tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn còn nguyên vẹn”, thày Hùng xúc động nói và cho biết, giữa tháng 3/2019, chính thày đã được các học sinh khóa 1962 - 1963 trường cấp II Xuân Trường đứng lên tổ chức mừng thọ 80 tuổi.
“Buổi mừng thọ có sự tham dự của trên 300 người, có những học trò công tác tận Nha Trang cũng tranh thủ đưa vợ con về chúc thọ và thăm thày. Trong khoảng sân vườn trước nhà, thày trò cùng ôn lại kỷ niệm xưa, những ngày khó khăn, thày trò chia nhau từng suất ăn, thày đạp xe 45km đưa đón học sinh đi học. Hay có cậu học trò đi bộ đội thường xuyên biên thư về cho thày. Khi thày biên thư lại để động viên, cậu học trò ấy đã giữ gìn những lá thư đến tận bây giờ...”, thày Hùng nghẹn ngào kể.
Làng Hành Thiện thời phong kiến có đến 419 người đỗ đạt trong đó có 7 người đỗ đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Làng có 4 người làm quan thượng thư, 4 người là quan tuần phủ, 4 người là tổng đốc, 69 người làm tri phủ, tri huyện... Mỗi khi trong làng có người đỗ đạt, làng thường tổ chức lễ khen thưởng trang trọng để động viên, khích lệ tinh thần học tập của các thế hệ “nho sinh”.
“Trước đây, làng Hành Thiện còn có văn chỉ thờ thánh hiền và ghi danh các tân khoa, tiền bối để các nho sinh đến đó cầu khấn trước khi đi thi và lễ tạ khi đỗ đạt trở về. Thế hệ đi trước luôn hỗ trợ thế hệ đi sau vươn lên trong học tập. Họ lấy hoa lợi hàng năm làm học bổng cho học sinh nghèo, thậm chí còn làm đơn đề nghị miễn sưu thuế cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trải qua thời kỳ chiến tranh, văn chỉ bị phá hủy. Đến nay, những người có tâm huyết giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học của làng đã cùng nhau phục chế lại văn chỉ, trong đó có việc khắc bia đá ghi danh tại đình làng”, thày Hùng nói.
Theo thày Hùng, phát huy truyền thống hiếu học của dân làng, đến nay, tháng 8 hàng năm, Hội Khuyến học, khuyến tài của làng đều tổ chức lễ khen thưởng cho học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế để động viên các học sinh, sinh viên phấn đấu trong học tập.
Bà Nguyễn Thị Ngọc (làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng) vui vẻ chia sẻ, sắp tới đây, con gái đầu của gia đình là Phạm Thị Minh Trang (SN 1992) sẽ nhận được Bia đá vinh danh tiến sỹ của Hội Khuyến học khuyến tài làng Hành Thiện khi năm 2018 vừa qua, Trang đỗ học vị tiến sỹ chuyên ngành công nghệ thông tin Australia.
Bà Ngọc cho biết, bản thân là giáo viên tiểu học, chồng là sĩ quan đã về hưu, hơn 40 năm trước cũng là học sinh giỏi chuyên Toán của trường cấp 3 Xuân Trường. Từ nhỏ, Trang và em gái Phạm Thị Minh Phương (SN 1997) vốn đã có ý thức tự lập vươn lên trong học tập, mọi hoạt động ăn nghỉ, học hành đều được bố mẹ quan tâm, uốn nắn một cách nền nếp.
Năm 2009 - 2010, Trang đoạt Giải Nhì Toán - Tin Quốc gia và được tuyển thẳng vào học THPT ở trường chuyên Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó, học Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và trở thành nghiên cứu sinh ở Úc. Hiện, Trang đã có bằng tiến sỹ tại Úc và đang làm cho Google tại đây”, bà Ngọc kể.
Noi gương chị gái, cô em Minh Phương cũng có thành tích học tập đáng nể khi là học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) đoạt giải Nhì Toán Quốc gia và được tuyển thẳng vào Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Phương vừa đi thực tập năm cuối ở Singapore. Em cũng được trường bên đó đề nghị sau khi hoàn thành khóa học ở Việt Nam sẽ tài trợ cho sang Singapore làm nghiên cứu sinh 4 năm”, bà Ngọc vui vẻ cho hay.